Công tác khảo sát địa chất – Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Phương Bắc

Khảo sát địa chất là gì?

Khảo sát địa chất là công tác thực hiện nghiên cứu, đánh giá điều kiện địa chất của công trình tại địa điểm xây dựng nhằm xác định cấu trúc nền đất, tính chất cơ lý của các lớp đất nền, điều kiện nước dưới đất và các tai biến địa chất phục vụ cho các công tác quy hoạch, thiết kế và xử lý nền móng.

Một số hình ảnh về công tác khảo sát địa chất công trình

Khảo sát địa chất thực hiện như thế nào?

Các dạng công tác chính trong khảo sát địa chất công trình bao gồm các công việc: khoan, đào, xuyên tĩnh, xuyên động, địa vật lý, nén tĩnh, nén ngang, cắt cánh….Hoạt động đó được thực hiện theo quy trình khảo sát địa chất một cách bài bản.

Bước 1: Đơn vị thiết kế hoặc đại diện chủ đầu tư cung cấp các thông tin về diện tích khuôn viên, quy mô, kết cấu, tải trọng công trình, giải pháp móng dự kiến cho bộ phận khảo sát địa chất công trình. Bộ phận khảo sát của đơn vị thiết kế xác định khối lượng, vị trí và chiều sâu thăm dò.

Bước 2: Các cán bộ khảo sát địa chất tiến hành khoan thăm dò bằng máy khoan chuyên dụng có thể là XY-1 hay HT-150E. Quá trình khoan thăm dò địa chất còn kết hợp lấy mẫu đất đem về phòng thí nghiệm và thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT (Standard penetration test) tại hiện trường. Cứ mỗi 2 mét khoan sẽ lấy 1 mẫu đất để thí nghiệm cơ lý, sau đó tiến hành đóng SPT hiện trường.

Bước 3: Tiến hành phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm. Mẫu thí nghiệm trong phòng là thí nghiệm 9 chỉ tiêu cơ lý của mẫu đất.

Ngoài ra, với những công trình có quy mô lớn còn phải kết hợp thêm một số thí nghiệm khác như:

+ thí nghiệm nén cố kết,

+ thí nghiệm nén 1 trục nở hông,

+ thí nghiệm nén ba trục không cố kết không thoát nước UU,

+ thí nghiệm nén ba trục cố kết không thoát nước CU,

+ thí nghiệm mẫu nước ăn mòn bê tông, …

Bước 4: Lập báo cáo khảo sát địa kỹ thuật, đề xuất một số vấn đề liên quan. Báo cáo khảo sát địa kỹ thuật được lập theo TCVN 9363: 2012. Cung cấp các số liệu cần thiết cho nhà thiết kế để tính toán, lựa chọn giải pháp móng phù hợp với điều kiện địa chất công trình nhằm bảo đảm ổn định công trình và đạt hiệu quả kinh tế.